Kinh doanh qua sở giao dịch hàng hóa giúp các sản phẩm, hàng hóa tránh được tình trạng “được mùa, mất giá”; hàng hóa không chỉ đảm bảo được chất lượng, mà còn tiết giảm được chi phí vận chuyển, bởi tất cả những hoạt động này đều được chuẩn hóa và thực hiện khi các nhà đầu tư, nhà sản xuất giao dịch qua sở.
Sở giao dịch hàng hóa có 2 chức năng chính. Thứ nhất là kết nối các “nhà” trong chuỗi giá trị sản phẩm, kết nối những người có nhu cầu về hàng hóa với nhau, từ người nông dân, nhà chế biến, đến các đơn vị xuất khẩu và cuối cùng là người tiêu dùng.
Thứ hai là có thể bảo hiểm giá. Khi giá được các thành viên sở giao dịch định giá thì hàng hóa có chất lượng tương đương sẽ có giá như nhau, cho dù đó là nhà cung cấp nhỏ hay lớn. Ðiều này rất có ý nghĩa đối với những nước xuất khẩu nông nghiệp chủ yếu như Việt Nam.
Một ví dụ cụ thể, giá giao dịch cà phê trên sàn Liffe hầu như được xem là “giá chuẩn” trong hoạt động mua bán của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên thế giới. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng tình trạng không kiểm soát được giá bán vẫn thường xảy ra. Vì vậy, việc tham gia giao dịch trên sàn hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng nông sản, sẽ hạn chế được tình trạng này.
Khi tham gia giao dịch qua sàn hàng hóa với hợp đồng tương lai, các nhà sản xuất có thể chủ động trong việc mua bán sản phẩm của mình bằng cách chốt giá trước. Ví dụ, một nông dân trồng cà phê dự kiến sẽ thu hoạch trong 3 tháng tới. Nhằm tránh rủi ro giá cà phê giảm tại thời điểm thu hoạch, người nông dân có thể sử dụng hợp đồng bán kỳ hạn cà phê 3 tháng trên các sở giao dịch hàng hóa.
Với những người có nhu cầu hàng hóa, có thể sử dụng công cụ giao dịch tương lai để đảm bảo giá nguyên liệu ổn định. Ví dụ, với giá thép, các công ty xây dựng có thể mua thép với giá xác định trong tương lai, biến động giá thị trường sẽ không ảnh hưởng đến giá thành xây dựng của công ty, qua đó tránh được tình trạng giá nhà bán ra điều chỉnh theo giá thép, gây ảnh hưởng cho cả người bán và người mua nhà.