Hướng Dẫn Giao Dịch Spread Trong Giao Dịch Hàng Hoá Từ A – Z

I. Khái niệm cơ bản về Spread

Giao dịch Spread là một chiến lược kinh doanh chênh lệch giá. Trong giao dịch Spread, nhà đầu tư/ giao dịch viên (trader) đồng thời mua một hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn (futures contract) và bán một hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn khác nhằm mục đích kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá giữa hai hợp đồng. Spread là một chiến lược phổ biến được sử dụng với nhiều loại tài sản khác nhau.

Các nhà đầu tư luôn cố gắng tìm cách để hạn chế một số rủi ro, mặt khách mong muốn gia tăng cơ hội giao dịch khi có cơ hội và tối đa hóa lợi nhuận của họ. Futures Spread là một dạng giao dịch phù hợp với những nhu cầu như vậy, được các nhà đầu tư rất quan tâm vì một số đặc tính ký quỹ được tính một mức thấp hoặc được giảm thiểu ở một số trường hợp, do đó khiến cho việc quản trị rủi ro vị thế nắm giữ dễ dàng hơn hoặc mở ra các cơ hội đầu tư khác.

Một số ví dụ giao dịch phù hợp với giao dịch Spread:

  1. Khi các tin tức ảnh hưởng đáng kể đến giá một kỳ hạn nhất định nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến giá kỳ hạn khác của cùng một loại hàng hóa.
  2. Do tính hội tụ của giá nên việc nắm giữ 2 vị thế ngược nhau khác đáo hạn của cùng loại hàng hóa có thể tạo ra được lợi nhuận.
  3. Rủi ro biến động giá của cùng loại hàng hóa những khác kỳ hạn không quá lớn, do đó việc quản trị tiền ký quỹ (bổ sung) cũng có thể sẽ dễ dàng hơn.
  4. Khi giao dịch, có thể sử dụng 02 vị thế đối nghịch nhau của cùng loại hàng hóa như một cách để lock-in(khóa) lợi nhuận hoặc rủi ro.
  5. Khi giao dịch, có thể sử dụng 02 vị thế đối nghịch nhau của cùng loại hàng hóa như một cách để tạo ra cơ hội cho việc chớp thời cơ trong cả 2 trường hợp sau khi giá lên sẽ tiếp diễn giá xuống hoặc ngược lại, với giả định là giá của cả 2 kỳ hạn của cùng hàng hóa cùng lên cùng xuống với biên độ và xu hướng giống nhau.
  6. Sử dụng Spread như một cách để tiếp tục phòng hộ rủi ro/chuyển sang kỳ hạn đáo hạn mới khi có thay đổi điều khoản về hợp đồng giao dịch hàng vật chất (physical).
  7. Khi giao dịch có thể thay đổi chiến thuật và sử dụng Spread như một cách để tăng tỷ lệ ký quỹ do mức ký quỹ yêu cầu cho Spread của 1 cặp hợp đồng sẽ được giảm đáng kể nếu như so sánh với việc giữ 1 hợp đồng riêng lẻ, từ đó có thể gia tăng ký quỹ khả dụng và dùng ký quỹ khả dụng đó cho các mục đích khác.
  8. Giao dịch Spread là một dạng hedging hoặc giao dịch các mặt hàng có liên quan đến nhau hoặc thay thế nhau: ví dụ giao dịch ngược chiều giữa dầu đậu tương và dầu WTI, giữa Ngô CBOT và Đậu tương CBOT, hoặc giao dịch dầu thô và xăng thành phẩm là sản phẩm chiết xuất từ dầu thô, hoặc giữa đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương (Soybean, soybean meal, soybean oil) để khóa lợi nhuận.

II. Điều kiện giao dịch và hướng dẫn mở tài khoản giao dịch Spread

1. Điều kiện giao dịch

Trong trường hợp Khách hàng có nhu cầu giao dịch, điều kiện tối thiểu của tài khoản được phép giao dịch Spread là số dư trên tài khoản hoặc giá trị tài sản ròng ký quỹ, phải lớn hơn hoặc bằng 1 tỷ VND.

Căn cứ trên Báo cáo sao kê cuối phiên hôm trước được gửi tới khách hàng vào đầu ngày hôm sau nếu số dư tài khoản và giá trị ròng ký quỹ đều nhỏ hơn 01 tỷ VND, tài khoản của khách hàng sẽ bị ở tình trạng Liquidation Only, chỉ cho phép đóng vị thế cũ, không được mở mới vị thế.

Khách hàng vẫn có thể rút tiền bình thường trong trường hợp bị Liquidation Only. Chỉ khi khách hàng nộp tiền bổ sung để đạt điều kiện tối thiểu được nêu như trên, khách hàng mới được hủy tình trạng Liquidation Only, và giao dịch mở mới vị thế bình thường.

2. Hướng dẫn mở tài khoản

– Hướng dẫn đóng mở tài khoản giao dịch Spread, vui lòng tham khảo Phụ lục 1.

– Hướng dẫn nộp rút tiền ký quỹ đối với tài khoản giao dịch Spread, vui lòng tham khảo Phụ lục 2.

– Hệ số ký quỹ áp dụng cho giao dịch Spread áp dụng như giao dịch thông thường: 1.2

III. Phân loại giao dịch Spread

Bao gồm 3 loại chính:

  • Inter-month (giao dịch liên kỳ hạn) của cùng hàng hóa có các kỳ hạn khác nhau
  • Inter-commodity (giao dịch liên hàng hóa) của các hàng hóa khác nhau
  • Inter-exchange (giao dịch liên Sở) của hàng hóa giống nhau được niêm yết trên các Sở giao dịch có liên thông

Commodity Product spreads là một trường hợp đặc biệt liên quan đến các sản phẩm nguyên liệu đàu vào và thành phẩm.

1. Inter-month (Intra-market)

Inter-month (thường nhắc đến dưới dạng calendar spreads) là chiến lược mua và bán hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn của cùng một loại hàng hóa nhưng khác tháng đáo hạn.

Ví dụ, nhà đầu tư mua cặp Spread Ngô CBOT kỳ hạn tháng 07/2021 và kỳ hạn tháng 09/2021. Tức là, nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Ngô tháng 07/2021 và vị thế bán hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Ngô tháng 09/2021.

Trong cùng một hàng hóa, giá các tháng kỳ hạn sẽ biến động cùng chiều và nhìn chung là tương đồng nhau. Tuy nhiên do đặc thù và tính chất về mùa vụ, cung cầu,… của mỗi loại hàng hóa, trong cùng một loại hàng hóa sẽ có những tháng kỳ hạn có tính thanh khoản cao hơn và phản ánh sự thay đổi giá rõ rệt hơn những tháng kỳ hạn khác. Điều này tạo ra sự chênh lệch giá giữa các tháng kỳ hạn trong cùng một loại hàng hóa. Giao dịch Inter-month giúp nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ việc tận dụng được sự chênh lệch giá đó.

Giá Ngô phiên giao dịch ngày 21/05/2021

Trên hình là giá các tháng kỳ hạn của Ngô trong phiên giao dịch 21/05/2021. Chúng ta có thể thấy có sự thay đổi giá khác nhau giữa các tháng kỳ hạn. Tháng kỳ hạn gần nhất là tháng 07/2021 giảm 8 cent (1.20%), các tháng kỳ hạn xa có mức giảm ít hơn: tháng 09/2021 giảm 6.75 cent (1.17%), tháng 12/2021 giảm 6 cent (1.09%),…

Nhà đầu tư Inter-month Spreads chủ yếu tập trung vào những thay đổi trong giá của hai tháng hợp đồng; mục tiêu của chiến lược này là tận dụng những thay đổi đó. Trong hầu hết các trường hợp, sẽ có một tháng kỳ hạn bị lỗ và một tháng kỳ hạn có lãi. Nếu mức tăng lợi nhuận ở tháng kỳ hạn có lãi nhiều hơn mức tăng lỗ ở tháng kỳ hạn còn lại, giao dịch Inter-month Spread có lợi nhuận.

Khi giao dịch Spread, nhà đầu tư cần tìm hiểu về các yếu tố khác nhau tác động tới giá của hàng hóa cơ sở như mùa vụ, cung và cầu, điều kiện thời tiết,… Đối với Inter-month Spreads, nhà đầu tư chỉ tập trung vào các thông tin của một hàng hóa thay vì nhiều hàng hóa như các loại Spread khác. Đó là lý do tại sao Inter-month Spreads được coi là dễ giao dịch hơn.

2. Inter-commodity (Inter-market Spreads)

Inter-commodity là chiến lược mua và bán đồng thời các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn của cùng một tháng kỳ hạn nhưng giữa các mặt hàng khác nhau. Các mặt hàng này thường có mối liên hệ với nhau, hoặc có thể thay thế nhau.

Ví dụ 1:

Nhà đầu tư bán cặp Spread Lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 và Ngô kỳ hạn tháng 12/2021. Tức là, nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán với hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Lúa mì tháng 12/2021 và vị thế mua với hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Ngô tháng 12/2021.

Ngô và Lúa mì là 2 sản phẩm có thể thay thế nhau trong thức ăn chăn nuôi. Thị trường Lúa mì cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường Ngô và có xu hướng theo sau Ngô. Trung bình một năm, 19% tổng sản lượng Lúa mì và 68% tổng sản lượng Ngô được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ tăng Lúa mì trong thành phần thức ăn chăn nuôi nếu giá Ngô tăng nhiều hơn mức tăng của giá Lúa mì. Chính vì mối quan hệ đặc biệt giữa 2 hàng hóa này, các nhà đầu tư có thể lựa chọn giao dịch Inter-market Spread để tận dụng mức chệnh lệch giá giữa 2 hàng hóa này đối với cùng một tháng kỳ hạn.

Giá Lúa mì phiên giao dịch ngày 21/05/2021

Giá Ngô phiên giao dịch ngày 21/05/2021

Trong phiên giao dịch ngày 21/05/2021, giá Lúa mì biến động cùng chiều với giá Ngô (đều giảm). Tuy nhiên có sự biến động khác nhau giữa 2 hàng hóa trong cùng một tháng kỳ hạn. Ví dụ, tháng kỳ hạn 07/2021, giá Ngô giảm 8 cent (1.20%) trong khi giá lúa mì giảm 2.5 cent (0.37%). 2 hàng hóa biến động cùng chiều nhưng mức giảm có sự khác nhau. Và với giao dịch Inter-market Spreads nhà đầu tư có thể tận dụng được mức chênh lệch giá đấy để tìm kiếm lợi nhuận.

Nhà đầu tư có thể mua và bán đồng thời các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn của cùng một tháng kỳ hạn nhưng giữa các mặt hàng niêm yết trên Sở giao dịch khác nhau.

Ví dụ 2:

Trên Sở giao dịch CME, nhà đầu tư có thể giao dịch cặp Spread hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn cùng tháng kỳ hạn giữa 2 hàng hóa Ngô (được niêm yết giao dịch trên Sở giao dịch CBOT) và Chicago Ethanol (được niêm yết giao dịch trên Sở giao dịch NYMEX). Như chúng ta đều biết, Ngô là nguyên liệu để sản xuất Ethanol nên 2 mặt hàng này có liên hệ với nhau.

3. Commodity Product Spreads

Commodity product spreads là việc mua và bán các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn có liên quan đến quá trình chế biến nguyên liệu thô.

Ví dụ:

Soybean Crush Spread

Soybean Crush Spread là việc mua các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn đậu tương và bán hợp tiêu kỳ hạn tiêu chuẩn khô đậu tương và dầu đậu tương. Những người thực hiện Soybean Crush Spread có thể nhìn thấy các lợi ích về mặt tài chính trong quá trình chế biến đậu tương, đó là mua đậu tương, nghiền và bán sản phẩm là khô đậu tương và dầu đậu tương. Soybean Crush Spread cho phép nhà sản xuất phòng ngừa rủi ro về giá, trong khi các nhà đầu tư sẽ xem xét spread để tận dụng các cơ hội gia tăng lợi nhuận tiềm năng.

Mã giao dịch sản phẩm: SOMI01Z21 trên CQG

The Crack Spread

Crack Spread thể hiện sự đối lập giữa dầu thô và các sản phẩm xăng dầu thành phẩm được chiết xuất từ dầu thô. Cracking là một thuật ngữ trong ngành công nghiệp dầu mỏ đề cập đến quy trình mà các nhà máy lọc dầu áp dụng để tách dầu thô thành các sản phẩm hoàn chỉnh. Các sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm các loại khí như propan, xăng, nhiên liệu đốt nóng, các sản phẩm chưng cất nhẹ, chưng chất trung bình và nặng (độ nhớt).

The Spark Spread

Spark Spread bao gồm khí tự nhiên là nguyên liệu thô và điện là thành phẩm. Spark Spread đề cập đến cách thức các công ty điện sử dụng để ước tính lợi nhuận từ các máy phát điện chạy bằng khí gas tự nhiên. Các nhà đầu tư có thể giao dịch OTC với các hợp đồng điện để thu lợi nhuận từ những biến động của Spark Spread. Hợp đồng Spread tương tự đối với than được gọi là Dark Spread.

Tại sao những hợp đồng Spread lại được đặc biệt quan tâm

Trong tất cả các trường hợp, việc nắm giữ vị thế mua đối với nguyên liệu thô và vị thế bán đối với thành phẩm tạo ra một lợi nhuận, mức lợi nhuận này được thể hiện trong biên lợi nhuận của công ty khi thực hiện quá trình sản xuất.

Đối với các công ty sản xuất thành phẩm, các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn trong chiến lược commodity-product spread đóng vai trò phòng vệ trước biến động giá của toàn bộ quá trình sản xuất. Việc phòng vệ giúp bảo toàn lợi nhuận của công ty trong trường hợp giá nguyên liệu thô tăng hoặc giá thành phẩm giảm.

IV. Cách tính lãi lỗ Spread

Cách tính lãi lỗ của cặp Spread tương tự cách tính lãi lỗ của các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn.

1. Inter-month Spreads

Ví dụ: Nhà đầu tư mua cặp Spread Ngô CBOT kỳ hạn tháng 07/2021 và kỳ hạn tháng 09/2021 (ZCES1N21) tại mức giá 42.25 cent/giạ, tức là mua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Ngô tháng 07/2021 (ZCEN21) tại giá 578 cent/giạ và bán hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Ngô tháng 09/2021 (ZCEU21) tại giá 535.75 cent/giạ.

Nếu giá ZCEN21 tăng lên mức 580 cent/giạ và giá ZCEU21 tăng lên mức 537.25 cent/giạ, thì cặp spread lãi:

(580 – 578) x 5,000 + (535.75 – 537.25) x 5,000 = 2,500 cent = $25

2. Inter-commodity Spreads

Nhà đầu tư bán cặp Spread Lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 và Ngô kỳ hạn tháng 12/2021 (ZWAZCEZ21) tại mức giá 143.75 cent/giạ, vị thế bán với hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Lúa mì tháng 12/2021 (ZWAZ21) tại mức giá 663.75 cent/giạ và vị thế mua với hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Ngô tháng 12/2021 (ZCEZ21) tại giá 520 cent/giạ.

Nếu giá ZWAZ21 giảm xuống 660.25 cent/giạ, và giá ZCEZ21 giảm xuốn 518 cent/giạ thì cặp spread lãi:

(663.75 – 660.25) x 5,000 + (518 – 520) x 5,000 = 7,500 cent = $75

3. Commodity Product Spread

Cách tính toán và định giá

Thường một số thương nhân khi giao dịch sản phẩm ép từ đậu tương thường tỷ lệ 1:1:1 cho 3 giá kỳ hạn của hợp đồng Đậu tương, Khô đậu tương và Dầu đậu tương. Tuy nhiên vì lí do độ lớn hợp đồng khác nhau, nên cách này không chính xác do cách niêm yết của khô và dầu chiết từ đậu tương. Để tính chính xác, Sở giao dịch hàng hóa đưa ra sản phẩm ép dầu được tính = 30 hợp đồng (bao gồm mua 10 hợp đồng đậu tương và bán 11 hợp đồng khô đậu và  bán 9 hợp đồng dầu dậu).

4. Cách định giá

[(Giá của khô đậu tương ($/short ton) x .022) + Giá của dầu đậu ($/lb) x 0.11] – giá của đậu tương ($/bu.)

Ví dụ giá SOMI01Z21 ở mức 139.5. Được tính bởi công thức:

({Giá khô đậu tương tháng 12/2021} 395 *0.022 + {Giá dầu đậu tương} 58×0.11) – {Giá đậu tương} 13.675

V. Ký quỹ đối với Spread

Ký quỹ là một điều quan trọng mà bất kỳ nhà đầu tư nào quan tâm đến Spread nên biết. Ký quỹ cho biết mức độ biến động giá và rủi ro của hàng hóa cơ sở hoặc mối quan hệ giữa các.

hàng hóa cơ sở (đối với giao dịch Spread có nhiều hơn một hàng hóa cơ sở). Ký quỹ của Spread thường thấp hơn ký quỹ của hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vì Spread ít biến động hơn và Spread có khả năng phòng vệ rủi ro. Ví dụ, ký quỹ đối với hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Đậu tương và Ngô lần lượt là $3,000 và $1,500. Để giao dịch cặp Spread của Đậu tương và Ngô, nhà đầu tư chỉ phải nộp mức kí quỹ là $1,125 thay vì mức $4,500.

1. Cách tính ký quỹ cho Inter-month Spread

Ký quỹ
ban đầu
Ký quỹ của
chân 1
–  Ký quỹ của
chân 2
Intra
Spread Charge

Trong công thức trên, CME công bố Ký quỹ ban đầu cho từng nhóm Intramarket Spread (như hình trên). Intra Spread Charge được tính toán theo CME SPAN. Như hình trên, số tiền ký quỹ của cặp Đậu tương kỳ hạn tháng 05/2021 và kỳ hạn tháng 09/2021 là $1425.

2. Cách tính ký quỹ cho Inter commodity Spread

Ví dụ: Cặp Spread Ngô và Đậu tương tỉ lệ 1:2, với Inter Rate = 65%

Ký quỹ ban đầu của hợp đồng Ngô và Đậu tương lần lượt là: $1500 và $3500

Trước khi được áp dụng Inter Rate, số tiền ký quỹ: $1500 + $3500 x 2 = $8500

Khi áp dụng Inter Rate, tỉ lệ ký quỹ: $8500 x (1 – 65%) = $3975

Inter Rate sẽ tham khảo như trong hình

VI. Cách lấy hợp đồng Spread trên CQG

Về cơ bản, để giao dịch Spread trên CQG, khách hàng phải được cho phép áp dụng cross-margin, đồng thời khách hàng phải đặt mua và bán theo đúng tỷ lệ của cặp Spread.

1. Inter-month Spread

Cấu trúc mã Spread = Mã hàng hóa + S + Khoảng cách giữa 2 kỳ hạn + Tháng kỳ hạn gốc + Năm kỳ hạn gốc

Trong đó:

– Mã hàng hóa: Mã CQG của hàng hóa giao dịch Spread

– S: Là ký tự quy ước cho giao dịch Spread

– Khoảng cách giữa 2 kỳ hạn: Số thứ tự của kỳ hạn theo thứ tự (Inter) liền sau kỳ hạn gốc

– Tháng kỳ hạn gốc: Là tháng kỳ hạn được chọn làm kỳ hạn gốc của cặp Spread

– Năm kỳ hạn gốc: Là năm kỳ hạn được chọn làm kỳ hạn gốc của cặp Spread

Ví dụ: mặt hàng Ngô có các tháng đáo hạn Mar (H), May (K), Jul (N) ,Sep (U), Dec (Z).

ZCES1H22 có nghĩa là Kỳ hạn tiếp theo thứ 1 kể từ kỳ hạn gốc là H22, như vậy sẽ là Spread giữa kỳ hạn H22 và kỳ hạn ngay kế tiếp (S=1) là kỳ hạn K22

ZCES3K22 có nghĩa là Kỳ hạn tiếp theo thứ 3 kể từ kỳ hạn gốc là K22, như vậy sẽ là Spread giữa kỳ hạn K22 và kỳ hạn kế tiếp thứ 3 (S=3) là kỳ hạn Z22

Trong CQG, cặp Intermonth spread sẽ luôn định hình chiều mua là một giao dịch mua tháng gần và bán tháng xa, và ngược lại chiều bán là bán tháng gần và mua tháng xa.

Ví dụ 1: Giao dịch Spread giữa 2 tháng kỳ hạn ZCEN21 (Hợp đồng Ngô tháng 07/2021) và ZCEU21 (hợp đồng Ngô tháng 09/2021) có mã là ZCES1N21.

– Mã hàng hóa của hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Ngô: ZCE

– S: Là ký tự quy ước cho giao dịch Spread

– Khoảng cách giữa 2 kỳ hạn: 1

– Tháng kỳ hạn gốc là tháng 7, ký hiệu là N

– Năm kỳ hạn gốc là 2021, ký hiệu 21

Ví dụ 2: Giao dịch Spread giữa 2 tháng kỳ hạn ZSEN21 (Hợp đồng Đậu tương tháng 07/2021) và ZSEF22 (hợp đồng Đậu tương tháng 01/2022) có mã là ZSES4N21.

– Mã hàng hóa của hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn Đậu tương: ZSE

– S: Là ký tự quy ước cho giao dịch Spread

– Khoảng cách giữa 2 kỳ hạn: 4

– Tháng kỳ hạn gốc là tháng 7, ký hiệu là N

– Năm kỳ hạn gốc là 2021, ký hiệu 21

2. Inter commodity Spread

Đối với Inter commodity Spread, CQG sẽ đưa ra mã hợp đồng tương ứng với từng cặp Spread.

Ví dụ: mã hợp đồng của cặp Spread Lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 và Ngô kỳ hạn tháng 12/2021 là ZWAZCEZ21

Trong CQG, cặp inter-commodity Lúa mì và Ngô có mã giao dịch ZWAZCE, với giao dịch mua cặp này có nghĩa là cùng một kỳ hạn mua ZWA và bán ZCE, giao dịch bán cặp này có nghĩa là bán ZWA và mua ZCE.

VII. PHỤ LỤC 1: HƯỚNG DẪN ĐÓNG MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH SPREAD

1. HƯỚNG DẪN MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH SPREAD

Điều kiện để được giao dịch Spread:

– Khách hàng nộp tiền vào TKGD Spread số tiền tối thiểu là 1.000.000.000 VNĐ (1 tỷ

VNĐ đồng).

– Hạn mức TKGD được cấp cho các TVKD như sau: 5 TKGD Spread cho 1 TVKD (đối

với Top 5 TVKD của năm 2020 có thể được phép nhiều TKGD Spread hơn).

Khách hàng đã có TKGD Futures và muốn mở bổ sung TKGD Spread.

Bước 1: Khách hàng (KH) yêu cầu Thành viên kinh doanh (TVKD) mở bổ sung TKGD Spread.

Bước 2: KH ký Phụ lục mở TKGD bổ sung (Yêu cầu mở TKGD Spread) và đăng ký tạo Account/Account + Trader CQG kèm kết nối giá (nếu có) với TVKD.

Bước 3: TVKD gửi email (mẫu 1-S) cho Trung tâm Thanh toán Bù trừ (TTBT), cc Khối Quản lý thành viên (QLTV), Khối Quản lý Rủi ro (QLRR), Bộ phận Kế toán (BPKT), đính kèm hồ sơ đầy đủ, gồm:

– Bản scan Phụ lục mở TKGD bổ sung (Yêu cầu mở TKGD Spread);

– Bản “Danh sách đăng ký thông tin trên CQG cho TKGD Futures và TKGD Spread” (file Excel và PDF có dấu xác nhận của TVKD) – (mẫu 4-S).

Bước 4: TTBT kiểm tra thông tin trên hệ thống giao dịch và hồ sơ TVKD gửi. Nếu thông tin đầy đủ, chính xác và khách hàng đủ điều kiện giao dịch Spread, TTBT mở TKGD Spread cho khách, QLRR mở CQG Trader. TTBT báo lại cho TVKD khi hoàn thành việc mở TK.

Khách hàng chưa có TKGD Futures và muốn mở TKGD Spread.

Bước 1: KH yêu cầu TVKD mở TKGD Spread.

Bước 2: KH ký Hợp đồng mở TKGD Futures và Phụ lục mở TKGD bổ sung (Yêu cầu mở TKGD Spread); đăng ký tạo Account/Account + Trader CQG kèm kết nối giá (nếu có) với TVKD.

Bước 3: Trên hệ thống giao dịch, TVKD mở TKGD Futures cho KH và cập nhật đầy đủ thông tin, bao gồm:

– Scan CMND/Hộ chiếu/CCCD bản gốc (đủ 2 mặt);

– Các thông tin khớp với CMND/Hộ chiếu/CCCD;

– Chữ ký phải là ảnh scan chữ ký của KH trên hợp đồng.

Bước 4: TVKD gửi email (mẫu 2-S) cho TTBT, cc QLTV, QLRR, BPKT, đính kèm hồ sơ đầy đủ, gồm:

– Bản scan trang số 01 của hợp đồng mở TKGD (đầy đủ chữ ký, con dấu của TVKD và KH);

– Scan Phụ lục mở TKGD bổ sung (Yêu cầu mở TKGD Spread);

– Scan CMND/Hộ chiếu/CCCD bản gốc (đủ 2 mặt);

– Bản “Danh sách đăng ký thông tin trên CQG cho TKGD Futures và TKGD Spread” (file Excel và PDF có dấu xác nhận của TVKD) – (mẫu 4-S).

Bước 5: TTBT kiểm tra thông tin trên hệ thống giao dịch và hồ sơ TVKD gửi. Nếu thông tin đầy đủ, chính xác và KH đủ điều kiện giao dịch Spread, TTBT thực hiện:

– Kích hoạt TKKQ của TKGD Futures trên hệ thống giao dịch.

– Mở TKGD Spread, CQG Trader và báo lại cho TVKD khi hoàn thành.

2. HƯỚNG DẪN ĐÓNG TÀI KHOẢN SPREAD

Bước 1: Khách hàng yêu cầu TVKD đóng TKGD Spread

Bước 2: TVKD gửi email cho TTBT, cc QLTV, QLRR, BPKT yêu cầu khóa TKGD Spread (mẫu 3-S).

Bước 3: Nếu TKGD đủ điều kiện đóng (số dư tài khoản ≥ 0):

– TTBT điều chỉnh hạn mức GD trên CQG về 0.

– QLRR hủy CQG Trader của TKGD Spread (nếu có).

Bước 4: TTBT thông báo TVKD về việc đã đóng TKGD Spread.

3. BIỂU MẪU

STT Tên biểu mẫu
1 Mẫu email yêu cầu mở TKKQ cho TKGD Spread 01-S
2 Mẫu email yêu cầu mở TKKQ cho TKGD Futures và TKGD Spread 02-S
3 Mẫu email thông báo khóa TKGD Spread 03-S
4 Danh sách đăng ký thông tin trên CQG cho TKGD Futures và TKGD Spread 04-S
5 Phụ lục mở TKGD bổ sung  

VIII. PHỤ LỤC 2: HƯỚNG DẪN NỘP/RÚT TIỀN KÝ QUỸ ĐỐI VỚI TKGD SPREAD

1. Hướng dẫn nộp tiền (7h sáng – 10h tối)

Bước 1: Khách hàng chuyển tiền vào Tài khoản ký quỹ (TKKQ) của TVKD. TVKD chuyển tiền lên TKKQ của MXV, ghi rõ nội dung chuyển khoản: “Nộp tiền vào TKKQ của xxxCxxxxxxS”. Đồng thời, TVKD gửi Email Yêu cầu xác nhận nộp tiền TKGD Spread (mẫu 1aS) cho TTBT, QLRR, BPKT.

Các TKKQ của MXV:

Tên chủ tài khoản Ngân hàng Số tài khoản ngân hàng
Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Việt Nam BIDV – Đống Đa 21610000556833
Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Việt Nam Techcombank – Hoàng Quốc Việt 19134638848012
Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Việt Nam Vietcombank – Hồ Chí Minh 0071001246872

Bước 2: Ngay khi tiền nổi trên TKKQ của MXV, BPKT và TTBT kiểm tra đối chiếu các thông tin trong email với nội dung nộp tiền vào TKKQ MXV.

Bước 3: Nếu khớp, TTBT gửi Email xác nhận duyệt yêu cầu nộp tiền của TVKD. Nếu không khớp, TTBT gửi email từ chối phê duyệt kèm lý do cụ thể và yêu cầu TVKD gửi lại email chính xác.

Lưu ý:

– Thời gian phê duyệt yêu cầu nộp tiền từ 7h sáng đến 10h tối của các ngày làm việc trong tuần.

– Trong trường hợp TVKD bảo lãnh khoản nộp tiền của khách hàng:

▪ TVKD gửi Email Yêu cầu phê duyệt nộp tiền có bảo lãnh của TVKD (mẫu 1cS) và Email Yêu cầu xác nhận nộp tiền cho TKGD Spread (mẫu 1aS) cho TTBT, QLRR, BPKT.

▪ TTBT sau đó kiểm tra thông tin và gửi email phản hồi tương tự Bước 3.

▪ Theo QĐ số 101/QĐ/MXV về phê duyệt lệnh nộp tiền có bảo lãnh của TVKD, chỉ áp dụng cho các khoản tiền nhỏ hơn hoặc bằng tổng phí giao dịch tính từ đầu tháng mà TVKD được nhận. Nếu vượt quá mức này, TVKD có thể xin ý kiến Ban Lãnh đạo MXV.

– Căn cứ vào Sao kê TKGD của KH phiên hôm liền trước, nếu cả giá trị ròng ký quỹ và số dư cuối phiên trước của TKGD Spread xuống dưới mức 1 tỷ VNĐ thì trong phiên giao dịch tiếp theo KH không được phép mở thêm vị thế mới cho đến khi KH nộp tiền bổ sung, đưa mức Giá trị ròng ký quỹ hoặc số dư theo sao kê về mức tối thiểu 1 tỷ VNĐ.

2. Hướng dẫn rút tiền (8h sáng – 5h chiều)

Bước 1: TVKD gửi Email Yêu cầu xác nhận rút tiền cho TKGD Spread (mẫu 2aS) cho TTBT, QLRR, BPKT.

Bước 2: Nếu yêu cầu hợp lệ, TTBT gửi email xác nhận phê duyệt. Nếu không hợp lệ, TTBT gửi email từ chối phê duyệt kèm lý do cụ thể.

Bước 3: BPKT sẽ thực hiện chuyển tiền về TKKQ mà TVKD đã đăng ký với MXV.

Lưu ý:

– Thời gian yêu cầu rút tiền là trong giờ hành chính 8h sáng – 5h chiều các ngày làm viêc trong tuần. (Không rút tiền các ngày lễ, tết theo công bố của MXV).

– Thời gian khách hàng nhận được tiền tối đa là 36 tiếng kể từ thời điểm TTBT xác nhận phê duyệt yêu cầu rút tiền.

Điều kiện rút tiền:

– Số tiền rút phải nhỏ hơn số dư hiện tại và số dư ký quỹ khả dụng trên tài khoản CQG của khách hàng;

– Tài khoản đề nghị rút tiền không ở trong trạng thái bị đình chỉ giao dịch do vi phạm các ngưỡng giới hạn vị thế hoặc mất khả năng thanh toán;

– Tài khoản đề nghị rút tiền không thuộc TVKD đang bị chặn rút tiền do tỷ lệ ký quỹ trên sao kê của TVKD phiên hôm liền trước dưới 100% và TVKD chưa nộp bổ sung đủ phần ký quỹ thiếu hụt.

GIA CÁT LỢI
Thành viên TOP đầu thuộc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 5, N03T7 Ngoại Giao Đoàn, đường Đỗ Nhuận, Phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Facebook: https://www.facebook.com/GiacatloiHN
Hotline: 0932097978

0932097978